TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


 

TAO PHÙNG DU NGOẠN 2022


Tác giả: phóng sự của V.T
Thể loại: Sinh Hoạt

 

     Hằng năm, hội quán Tao Phùng thường tổ chức chương trình du ngoạn cho hội viên đi tham quan những nơi danh lam thắng cảnh, địa danh lịch sử của tiểu bang Nam Úc.
     Nhưng vì những năm qua ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên hội quán Tao Phùng ngưng chương trình du ngoạn. Hôm nay, cách giãn xã hội không còn nên hội quán tổ chức chương trình du ngoạn, địa điểm tham quan chánh là lâu đài Dunluce Castle thuộc vùng Brighton tiểu bang Nam Úc.
      Trời còn sớm, mới 7.15 am, những người tham dự đã tập trung nơi bãi đậu xe của khu Arndale shopping Centre, chờ xe bus đến. Đoàn du ngoạn lần nầy có 53 người tham dư. Ngoài những người hội viên của Tao Phùng như: Anh Chánh, anh chị Minh, anh chị Hồng, anh Thiệt, chị Mạnh, chị Oanh, Ngọc Mỹ, Mộng Liên, Hà và vài thân hữu như: Anh Hào,  anh chị chínThạch, anh chị Long Thủy, anh chị Bình, chị Ưu.... còn lại đa số từ VN qua du lịch.
     Xe khởi hành lúc 8.00am, trực chỉ đến địa điểm tham quan đầu tiên là khu chợ trời Willunga Market. Trên xe, mỗi người được phát chiếc bánh bao và chai nước suối điểm tâm sáng.
     Xe chạy khoảng 1 giờ rưỡi là chúng tôi đến khu chợ trời trái cây Willunga (Willunga Farmers Market) lúc 9.30am. Tại đây, mọi người có thời gian 1 tiếng đồng hồ đi mua sắm, uống cafê sáng....
       Điểm đặc biệt ở khu chợ trời nông sản Willunga là khách có thể nếm thử trái cây các loại, rau quả tươi và đặc sản của vùng như: Sữa, thịt, hải sản, gia cầm, bánh, rượu các thứ trước khi mua. Tại đây, mấy chị trong đoàn: Ngọc Mỹ, Mộng Liên, Xuân Hà, chị Ngôn ... ghé lại gian hàng bán xúc xích ăn thử và sau đó mỗi người mua một ít.
      Chúng tôi đến địa điểm tham quan kế tiếp là Old Noarlunga, lúc 10.30am. Old Noarlunga là một vùng ngoại ô ở bang Nam Úc, cách thủ phủ Adelaide khoảng 30 kilômét về phía nam. Nới đây xưa kia là vùng trồng lúa mì nổi tiếng trong khu vực và một nhà máy bột mì được xây dựng trong thị trấn vào năm 1843 cùng với các cầu cảng được sử dụng để vận chuyển sản phẩm xuôi Sông Onkaparinga đến Cảng Noarlunga bằng sà lan...
       Theo chương trình, đoàn sẽ có 30 phút đi bộ theo bờ sông Onkaparinga-Ngangkiparri uốn cong như một hình móng ngựa, đó là nơi gặp gỡ của người Kaurna hàng vạn năm trước. Noarlunga được đặt tên theo vị trí này, từ ngữ Kaurna là Nurlongga hoặc Nglungga, nghĩa là đường cong như hình móng ngựa của dòng sông ở đây.
     Đến 12.30pm, ban ẩm thực bắt đầu dọn bàn ghế để chuẩn bị ăn trưa. Nhưng trời bắt đầu đổ mưa nhẹ. Cô thư ký văn phòng của nghị sĩ Tùng Ngô và bác tài xế xe bus đi tìm nơi có mái che để tránh mưa, nhưng không có, đành phải đặt bàn dưới tàn cây, chờ cho mưa tạnh.
     Đứng trông trời mưa lất phất, tôi chợt nhớ đến nhạc phẩm: Cơn Mưa Phùn với ca từ giống như hiện tại:
Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ
Hàng cây dật dờ rụng hoa tàn úa
Buồn chìm vào mắt đen người con gái hát một mình
Bài hát buồn như cuộc tình...
      Mười phút sau, trời tạnh mưa, ban ẩm thực bắt đầu phục vụ ăn trưa. Cô Ngọc Mỹ, Mộng Liên, Nga, Thủy, Hà, Oanh, chị Ngôn.... mỗi người phụ giúp một tay và chẳng mấy chốc đã hoàn thành phần ăn cho mỗi người một ổ bánh mì và chai nước suối... Ăn xong, có thêm bánh bò nướng tráng miệng do cháu Phượng tặng cho hội.
     Ăn trưa xong, người thì ngồi trên ghế công viên trò chuyện, người thì đi xem các gian hàng bày bán đặc sản địa phương...  Riêng tôi đi một vòng khu chợ trời tìm hiểu thêm về lịch sử vùng nầy. Theo tôi được biết, thị trấn Noarlunga đầu tiên người châu Âu đến định cư vào năm 1840, và cây cầu đá vượt sông Onkaparinga được xây trong thời điểm nầy. Thị trấn được đổi tên vào năm 1978 thành Old Noarlunga, từ đó sự phát triển nhà ga xe lửa và trung tâm mua sắm Colonnades như ngày nay...
       Chúng tôi rời Old Noarlunga lúc 1.30pm đi đến địa điểm tham quan cuối của hành trình: Lâu đài Dunluce Castle. Trên đường đi, tài xế Anthony ghé qua vài nơi phong cảnh đẹp bên bờ biển cho khách tham quan chụp hình, như: Heron, Hallett Cove, Esplanade, Brighton jetty....
      Đoàn tham quan đến Dunluce lúc 2.45pm. Tại đây, chúng tôi được chủ nhân hiện tại hướng dẫn tham quan các phòng và giải thích về lịch sử của lâu đài:
** Đây là một dinh thự của Nam tước dòng họ Dunluce với hơn 13 phòng chính, có nhiều lò sưởi nguyên bản và trần nhà bằng gỗ tuyết tùng. Lâu đài Dunluce do Rev Alexander Macully khởi công xây dựng vào năm 1910. Biến cố xãy ra cho dòng họ Dunluce là đứa con gái của Macully, Kitty Whyte, là nạn nhân của một vụ cá mập tấn công vào năm 1926 và được lập đài tưởng niệm cô bên cạnh cầu cảng Brighton.
      Chúng tôi được hướng dẫn vào phòng khách của lâu đài để xem bộ phim nói về lịch sử của dòng họ Dunluce. Những hình ảnh ngày xưa, gần 100 năm trước, làm cho tôi nhớ lại câu nói về sự đổi thay trong chốn trần ai, rằng:
* Bách niên thiên hải biến vi tang điền: Chỉ một trăm năm, biển xanh biến thành ruộng dâu.
      Bởi thế, lâu đài của dòng họ Dunluce ở Brighton, 100 năm sau đã thay đổi chủ mới thì không có gì phải ngạc nhiên lắm!
      Đoàn tham quan chào chủ nhân ra về. Tôi bước đi trên đường trở lại xe mà lòng dâng lên nỗi cảm hoài mang niềm thế sự! Chợt tôi ngó lại sau lưng, nhìn lâu đài sừng sửng trên đồi cao, im lìm dưới nắng chiều,  gợi cho tôi giây phút chạnh lòng, như hoài cảm cho một thời vàng son của dòng họ Dunluce.
Adelaide, 26/11/2022
V.T ghi nhanh